Bạo động Bạo_loạn_tháng_5_năm_1998_ở_Indonesia

Medan (4–8 tháng 5)

Sang đầu tháng 5, các sinh viên đã tuần hành trong các khu trường sở khắp Medan trong gần hai tháng. Đi kèm với số lượng người tuần hành gia tăng là gia tăng yêu cầu từ công chúng về cải cách tổng thể. Ngày 27 tháng 4, việc một sinh viên tử vong do tai nạn giao thông bị đổ lỗi cho các quan chức an ninh, những người đã bắn hơi cay vào khu trường sở. Trong vài ngày sau đó, xung đột giữa các sinh viên và lực lượng an ninh gia tăng. Vào ngày 2 tháng 5, một phòng trưng bày "ô tô quốc gia" Timor bị tấn công, chế tạo ô tô này là sự phát triển gây tranh luận do con trai Tổng thống là Tommy Soeharto khởi xướng.[10]

Khi chính phủ tuyên bố vào ngày 4 tháng 5 rằng sẽ tăng giá xăng thêm 70% và tăng giá điện gần ba lần, các nhóm khu trường sở phản ứng. Trên 500 sinh viên tập trung tại Học viện Quốc gia Sư phạm và Giáo dục (IKIP Negeri). Lực lượng an ninh ngăn chặn các sinh viên rời khỏi khu trường sở và được cho là ném bom xăng vào những người tuần hành. Mặc dù các sinh viên giải tán vào cuối buổi chiều, song lực lượng thay thế được đưa đến để giữ họ trong khu trường sở suốt tối. Khi họ được phép trở về nhà sau đó nhiều giờ, cảnh sát được tường thuật là chặn một nhóm sinh viên và hành hung họ.[10] Tin tức về vụ tấn công này lan truyền qua vài nhân chứng, và một nhóm lớn sau đó tấn công và phá hủy một đồn cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát đào thoát, những người kháng nghị bắt đầu tấn công các trung tâm mua sắm và các đồn cảnh sát khác. Hàng nghìn người đổ ra đường phố và đốt cháy các ô tô và cửa hàng trong suốt đêm muộn.[11]

Sáng ngày 5 tháng 5, một đám đông tập trung tại một đồn cảnh sát, nơi được báo là giam giữ 50 người bị nghi ngờ tham dự cuộc tấn công vào đêm trước. Khi có thêm nhiều cảnh sát viên đến để đối diện với nhóm thì đồn bị tấn công. Đám đông chuyển hướng đến chợ Tembung gần đó, họ đốt các ô tô và tấn công các căn nhà. Các cửa hàng do người Hoa sở hữu bị cướp, theo tường trình họ để lại các dòng chữ "milik pribumi" (người bản địa pribumi sở hữu). Khi Lữ đoàn Cơ động đến vào buổi chiều, đám đông bị giải tán bằng hơi cay. Khi các doanh nghiệp tại Medan đóng cửa vào hôm sau, hàng nghìn người tấn công các chợ khắp thành phố và các huyện xung quanh. Cảnh sát và quân nhân chống bạo động bắn đạn cao su vào đám đông để giải tán họ song bất thành. Khi bạo lực kết thúc vào hai ngày sau đó, có sáu người thiệt mạng, và một trăm người bị thương.[11] Cảnh sát bắt giam 51 người để thẩm vấn, thiệt hại được ước tính là hàng trăm tỷ rupiah.[12]

Jakarta (12–14 tháng 5)

Ngày 9 tháng 5, một ngày sau khi bạo lực tại Medan kết thúc, Tổng thống Soeharto đi tham dự hội nghị thượng đỉnh G15 tại Cairo, Ai Cập. Trước khi đi, ông kêu gọi quần chúng kết thúc kháng nghị. Trên nhật báo Suara Pembaruan ông phát biểu rằng "Tôi cho rằng nếu chúng ta tiếp tục làm như thế này thì sẽ không có tiến triển."[13] Ông trở về Indonesia sớm hơn dự kiến, vào ngày 14 tháng 5, khi bạo lực tại Jakarta tồi tệ nhất.[14] Khu trường sở của Đại học Trisakti tại Grogol, Tây Jakarta, trở thành nơi tập hợp của 10.000 sinh viên vào ngày 12 tháng 5. Họ lên kế hoạch tuần hành về phía nam hướng đến Tòa nhà Quốc hội, song lực lượng an ninh từ chối cho phép họ rời khỏi khu trường sở. Khi các sinh viên tiến hành biểu tình ngồi bên ngoài cổng trường, đạn được bắn ra sau khi họ ném đá vào cảnh sát. Bốn sinh viên thiệt mạng trong hỗn loạn sau đó.[15]

Bắt nguồn từ sự kiện này, bạo lực quần chúng bắt đầu gần như đồng thời trên khắp Jakarta vào ngày hôm sau. Cửa hàng bách hóa Matahari tại Jatinegara và Yogya Plaza tại Klender bị dựng chướng ngại vật và bị đốt cố ý, ước tính rằng có ít nhất 1.000 người thiệt mạng trong các hỏa hoạn. Các đám đông cũng tấn công Glodok tại phần tây bắc của thành phố, làm khu vực thương mại của phố Trung Hoa Jakarta bị thiệt hại nặng. Một số chủ cửa hàng được tường thuật là thuê côn đồ địa phương bảo vệ họ khỏi bạo lực do lực lượng an ninh phần lớn là vắng mặt. Bạo lực cũng diễn ra gần cảng Tanjung Priok ở phía bắc, thành phố Tangerang ở phía tây, và Kebayoran Baru ở phía nam. Các tài sản của người Hoa Indonesia là các mục tiêu phổ biến nhất.[16]

Surakarta (14–15 tháng 5)

Các cuộc kháng nghị của sinh viên tại Surakarta bắt đầu ngay từ tháng ba tại Đại học Muhammadiyah Surakarta (UMS) và Đại học Sebelas Maret (11 tháng 3) (UNS) và phát triển trong hai tháng tiếp đó, khiến cảnh sát cho người đóng bên ngoài hai khu trường sở nhằm ngăn chặn họ tiến ra đường phố. Ngày 8 tháng 5, trong sự kiện mà về sau gọi là "Thứ sáu đẫm máu", xung đột giữa sinh viên UNS và lực lượng cảnh sát khiến hàng trăm sinh viên bị thương. Tồn tại bằng chứng khai hỏa khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su.[17]

Các sinh viên UMS xung đột với lực lượng an ninh vào ngày 14 tháng 5 trong một cuộc kháng nghị vụ xả súng Trisakti tại Jakarta. Một tường thuật về sự kiện cho rằng bạo lực bị kích động khi các sinh viên ném đồ vật vào cảnh sát từ trong trường. Lực lượng an ninh không thể giải tán nhóm, và đám đông 1.000 người giận dữ tiến về phía đông vào thành phố. Một phòng trưng bày ô tô Timor bị tấn công, gần giống như bạo lực tại Medan hồi đầu tháng. Kostrad (Lực lượng dự bị chiến lược Lục quân) đến khi đám đông tấn công các ngân hàng và tòa nhà công cộng tại trung tâm thành phố và ngăn họ đến tòa thị chính. Đám đông chia thành các nhóm nhỏ và tấn công các khu vực xung quanh Surakarta. Thêm nhiều người đổ ra đường khi các lốp xe bị đốt tại giao lộ.[17] Khu trung tâm Surakarta không được bảo vệ, thêm vào đó là các thành viên của Kopassus (lực lượng đặc biệt) đã rời thành phố từ trước đó trong ngày.[18] Một nhóm 15 "gian tế" được cho là chỉ đạo các đám đông bằng cách sử dụng bộ đàm và xúi giục một số vụ bạo lực sử dụng xà beng để cạy cửa các tòa nhà và ném bom xăng vào trong.[19]

Do điện bị cắt trên toàn thành phố vào đêm đó, các cư dân không thể theo dõi tin tức về sự kiện trên sóng truyền hình và phát thanh. Thay vào đó, họ dựa vào báo địa phương Solo Pos để biết tin tức vào ngày hôm trước trong ngày 15 tháng 5. Do các vụ tấn công tiếp tục sang ngày thứ nhì, 10.000 sinh viên kháng nghị tổ chức một cuộc kháng nghị hòa bình riêng biệt và tuần hành từ khu trường sở UNS đến tòa thị chính, giải thích rằng họ không có liên hệ với bạo lực đám đông.[20]

Các thành phố khác

Ngày 14 tháng 5 năm 1998, tại Sidtopo, Surabaya, những người nổi loạn nhắm mục tiêu là các cửa hàng và nhà ở của người Hoa, tiến hành phóng hỏa.[21] Sau náo loạn, mười nghìn người Madura đi tuần tra trên đường phố, được trang bị liềm.[22] Đội điều tra sự thực chung phát hiện hai trường hợp hiếp dâm và bốn trường hợp tấn công tình dục.[23]

Ngày 14 tháng 5 năm 1998, có ít nhất mười công sở, ngân hàng, và phòng trưng bày tại Padang, Tây Sumatera, bị các sinh viên nổi loạn ném đá trên đường tới văn phòng Hội nghị Hiệp thương Nhân dân tỉnh Tây Sumatra.[24]

Trong cùng ngày, tại Palembang, Nam Sumatera, mười cửa hàng bị đốt, hơn chục ô tô bị những người nổi loạn đốt, và hàng chục người bị thương do các sinh viên tuần hành ném đá khi họ tiến đến Hội nghị Hiệp thương Nhân dân tỉnh Nam Sumatra. Hàng nghìn cảnh sát và binh sĩ được đặt bảo vệ các địa điểm khác nhau trong thành phố.[24] Đội tình nguyện nhân đạo (TRUK) báo cáo rằng cũng phát sinh các trường hợp tấn công tình dục.[25]

Ngày 15 tháng 5 năm 1998, hàng nghìn người nổi loạn từ Surakarta đến Boyolali, đốt các nhà máy, ô tô, nhà ở, cũng như cướp bóc các cửa hàng gần chợ Boyolali. Các ngân hàng đóng cửa trước lời đe dọa đốt chi nhánh Bank Central Asia tại Salatiga, và những người nổi loạn chặn đường từ Semarang đến Surakarta.[26]